Thông báo khẩn

Đoàn - Hội khoa Vật lý chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chúc các Thầy Cô và các bạn giáo sinh có một ngày lễ đầy ý nghĩa và niềm vui.

Chào mừng bạn đã đến với Bản tin trực tuyến của Đoàn - Hội khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Nếu bạn muốn làm writer, vui lòng liên lạc tolamvienkhoa@yahoo.com.vn

Cùng tưởng niệm nhớ đến bạn Lê Thanh Thuý, học sinh trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TPHCM, Công dân trẻ TPHCM, đã ra đi vào lúc 18h30 ngày 2/11/2007.

Các hoạt động trong khoa đang diễn ra:
- Hội diễn văn nghệ khoa Lý năm 2007
- Giải bóng đá mini nam nữ truyền thống khoa Lý

- Hội nghị Liên Chi hội HSV khoa Vật lý'
- Hội thi "Người giáo viên vật lý tương lai" diễn ra vào lúc 13g ngày 02/12/2007 tại Giảng đường A, 222 Lê Văn Sỹ Q3

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2007

Giảm muối, thuốc lá để cứu sống 14 triệu người



Trong thập kỷ tới, 14 triệu người sẽ được cứu sống nhờ giảm muối và không hút thuốc lá. King’s Fund, một tổ chức từ thiện ở Anh, đã đưa ra dự báo này dựa trên nghiên cứu ở 23 nước, trong đó có Việt Nam.

Mỗi năm sẽ có 5,5 triệu trường hợp tử vong được ngăn chặn nếu đánh thuế cao hơn đối với sản phẩm thuốc lá và đẩy mạnh các chiến dịch chống hút thuốc.

(Ảnh: redlightnaps.wordpress.com)

Số người tử vong hàng năm do các bệnh nguy hiểm, như ung thư và tim mạch, sẽ giảm đi 14 triệu trong thập kỷ tới nếu hạn chế sử dụng muối trong ăn uống và tăng cường các biện pháp chống hút thuốc lá. Năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đặt chỉ tiêu giảm 2% số ca tử vong hàng năm do các bệnh mãn tính trong giai đoạn 2005 – 2015. Đó là các bệnh không lây, như bệnh tim, ung thư, tiểu đường...Để giúp WHO thực hiện chỉ tiêu đó, các chuyên gia thuộc King’s Fund, một tổ chức từ thiện ở Anh, đã nghiên cứu mối liên hệ giữa việc giảm tỉ lệ tử vong với việc hạn chế hút thuốc lá và cắt giảm 15% lượng muối trong ăn uống. Nghiên cứu này được thực hiện đối với 23 nước được xem là chiếm đến 80% gánh nặng do bệnh tật mãn tính gây ra trên toàn thế giới. Trong số các nước này có Mỹ, Nga, Ấn Độ, Ethiopia, Burna, Nigeria và Việt Nam. Theo nhóm nghiên cứu, nếu mỗi người chỉ sử dụng từ 3 – 4,5 gram muối trong ăn uống hàng ngày – tức 30% ít hơn mức trung bình hiện nay – thì đến năm 2015, số lượng tử vong hàng năm trên toàn thế giới sẽ giảm đi 8,5 triệu người.

Trong những xã hội ít dùng muối trong ăn uống thì huyết áp của người lớn tuổi có xu hướng ở mức gần giống như khi họ đang ở lứa tuổi 20. (Ảnh: images.jupiterimages.com)
Ông Perviz Asaria, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Ở những nước có lượng muối tiêu thụ cao thì huyết áp người dân sẽ tăng đáng kể khi họ càng lớn tuổi. Ngược lại, trong những xã hội bộ tộc – nơi mà muối không có đủ để dùng hoặc ít được dùng trong thực phẩm – thì huyết áp của người lớn tuổi có xu hướng ở mức giống như khi họ đang ở lứa tuổi 20”. Các nhà khoa học từ lâu đã khẳng định huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các bệnh về tim mạch. Do đó, các tác giả của nghiên cứu này khuyên mọi người nên ăn nước chấm có nồng độ muối thấp, tránh dùng thức ăn mặn và nên dùng ít muối hơn trong tẩm ướp thực phẩm. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mỗi năm sẽ có khoảng 5,5 triệu trường hợp tử vong được ngăn chặn nếu chính phủ các nước đánh thuế cao hơn đối với sản phẩm thuốc lá, và đẩy mạnh hơn nữa các chiến dịch chống hút thuốc ở nơi làm việc cũng như nơi công cộng. Các chuyên gia cũng kêu gọi tăng cường thực hiện Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của WHO. Kết quả nghiên cứu này vừa được công bố trên tạp chí y học The Lancet ở Anh.
Quang Thịnh (Theo VOA)

Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên (HSSV) các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy.
Theo đó, việc đánh giá kết quả rèn luyện của HSSV dựa trên các tiêu chí: Ý thức học tập; ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế trong nhà trường; ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hoá, phòng chống tệ nạn xã hội... HSSV bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học thì phải tạm ngừng học một năm học ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện kém cả năm lần thứ hai thì bị buộc thôi học.Theo quy chế mới, điểm rèn luyện được tính theo thang 100 và chia cho 5 mục: Ý thức học tập (khung đánh giá 0-30 điểm); Ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế trong nhà trường (0-25 điểm); Ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị – xã hội, văn hoá, văn nghệ, thể thao, phòng chống các tệ nạn xã hội (0-20 điểm); Phẩm chất công dân và quan hệ với cộng đồng (0-15 điểm) và Ý thức và kết quả tham gia công tác phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức trong nhà trường hoặc đạt được thành tích đặc biệt trong học tập, rèn luyện (0-10 điểm).Kết quả rèn luyện tự đánh giá của SV sẽ được thông qua nếu đạt quá 50% ý kiến đồng ý của tập thể lớp tại buổi họp lớp có giáo viên chủ nhiệm tham gia. Sau đó trưởng khoa sẽ xác nhận, trình hiệu trưởng xem xét xác nhận sau khi Hội đồng đánh giá của trường thông qua.HSSV bị xếp loại rèn luyện kém trong cả năm học thì phải tạm ngừng học một năm học ở năm học tiếp theo và nếu bị xếp loại rèn luyện kém cả năm lần thứ hai thì sẽ bị buộc thôi học.Quy chế này sẽ giúp cho HSSV đánh giá đúng kết quả rèn luyện của mình trong quá trình học tập và rèn luyện.
Thanh Thương

Những tuyệt chiêu cho một bài thi điểm 10


Tất nhiên là không phải “phao cứu sinh” hay những đôi mắt thần để nghía bài của tên mọt sách ngồi phía trên đâu. Nếu bạn thấy mình thường xuyên toát mồ hôi hay đang tỉ mẩn “gặm bút chì” thì những bí kíp sau sẽ rất có ích cho bạn đấy.
Thư giãn thật thoải mái trước kỳ thi.

(Ảnh minh họa: TTVNOL).
Bỏ qua lo lắng
Đừng tưởng rằng sự hồi hộp trong thi cử sẽ giảm đi khi bạn lớn hơn nhé. Thực tế là có rất nhiều người dù đã trưởng thành rồi, nhưng cứ hễ nghe đến hai chữ thi cử là lại toát mồ hôi hột đấy (Đơn cử như những kì thi sách hạt, thi lấy bằng lái ô tô…)
Chính vì thế, đừng quá lo nếu bạn thấy mình thường xuyên dị ứng với những kì thi nhé. Mọi người cũng đều có lúc cảm thấy như bạn thôi mà!
Hãy đảm bảo rằng bạn đã học bài thật kĩ
Mỗi người có một cách học khác nhau. Nhưng nếu bước vào phòng thi với một cái đầu rỗng tuếch, bạn chắc chắn sẽ không làm được gì đâu.
Những môn tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học, Tiếng Anh… cần sự thực tập thường xuyên.
Với những kì thi học kì, thi tốt nghiệp… đề bài thường dài và được thiết kế vừa đủ để bạn suy nghĩ và làm trong thời gian quy định. Nếu không xử lí thật nhanh những câu căn bản, bạn dễ mất thời gian à mất bình tĩnh và tự tin để suy nghĩ cho những câu hỏi khó còn lại.
Riêng với những môn xã hội, đề thi đòi hỏi một kiến thức khái quát. Chăm đọc sách và dành thời gian để ôn tập hằng ngày sẽ có ích hơn việc “ngốn” thật nhiều vào cuối học kì đấy.
Trước khi thi, hãy ngủ cho thật ngon
Trí nhớ của bạn sẽ hoạt động có hiệu quả hơn nhiều nếu bạn cho chúng nghỉ ngơi hợp lí và đầy đủ. Ngủ đủ giấc cũng giúp bạn tỉnh táo hơn hẳn.
Những cuộc nghiên cứu khoa học gần đây còn cho thấy: Trong cùng một kì thi toán, những bạn ngủ đủ giấc thường phạm ít lỗi hơn 20% so với những nhân quá chăm chỉ, thức trắng đêm để ôn bài!
Đọc kĩ đề
Chẳng có gì ngớ ngẩn hơn là khi bạn đã làm được một nửa thời gian và phát hiện ra mình đang… đi nhầm hướng. Hãy đọc cho thật kĩ đề bài, dành từ 1-2 phút, hoặc có thể nhiều hơn một chút để nghiền ngẫm thật kĩ những câu hỏi được đưa ra trong bài thi. Bằng cách đó, bạn có thể trả lời trúng trọng tâm đề bài.
Ngoài ra, hiểu chắc câu hỏi còn giúp các sĩ tử của chúng ta cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Một tâm lí vững chắc là động lực cho bạn hạ gục những câu hỏi siêu khó còn lại trong bài.
Cân đối bài thi
Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần phân bổ thời gian thật hợp lí cho số câu hỏi có trong đề thi. Ví dụ đề thi có 3 câu với thang điểm là 6 - 2 - 2, hãy ưu tiên cho câu hỏi nhiều điểm trước và chia đều thời gian còn lại cho 2 câu 2 điểm kia. Nếu đề quá dài trong khi thời gian hạn hẹp, hãy cố gắng làm mỗi câu một ít.
Nói cách khác, bạn không nên bỏ trắng bất kì câu nào, dù nó ít điểm. Có thể bạn hiểu rất rõ câu 8 điểm, nhưng nếu dành trọn thời gian cho nó, bạn sẽ chỉ được cao nhất là 8 điểm mà thôi.
Thư giãn nào
Nếu cảm thấy quá lo lắng rằng mình sẽ không hoàn thành bài thi một cách hoàn hảo, bạn nên dành vài phút để trấn tĩnh thinh thần. Hít thở thật sâu, khẽ massage cổ và phần trán trước… Những động tác nhẹ nhàng có thể giúp bạn giải tỏa áp lực tâm lí trước những câu hỏi hóa búa.
Đừng vội bỏ qua khi đề bài có vẻ vượt quá sức của bạn, bạn đã từng học rất chăm chỉ, vì vậy hãy bắt đầu với những kiến thức mình có. Suy nghĩ cẩn thận và đừng từ bỏ bất cứ tín hiệu nào có thể đưa đến một đáp án chính xác. Khi bạn đang thi, chỉ cần nghi ngờ khả năng của mình một chút thôi, bạn cũng có thể tự biến đề bài rắc rối lên đôi ba lần rồi đấy!
Nộp sớm - Không phải là một ý hay
Trong hầu hết các kì thi, các thầy cô giám thị sẽ cho phép bạn được nộp bài sau khoảng 2/3 thời gian làm bài. Nếu bạn đã hoàn thành xong bài làm và chắc chắn về các đáp án của mình, bạn có thể nộp sớm để tránh cảnh tắc nghẽn khi tiếng chuông hết giờ vang lên.
Tuy nhiên, nộp bài sớm đồng nghĩa với việc bạn đã tự cắt giảm cơ hội được kiểm tra lại một lần nữa bài làm của mình. Trong một cuộc thi quan trọng, nửa điểm cũng vô cùng quan trọng. Bạn chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn để làm thật tốt bài của mình, dành thêm vài phút để dò lại cũng là rất xứng đáng mà.
(Dân trí)

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

9 điều bạn chưa biết về bộ não con người

Não người... Đó là một bí ẩn mà nhân loại còn đang khám phá. Điều kỳ lạ là, vỏ não với độ dày chỉ vài mm, nhưng chứa tới 75% các tế bào não và là nơi lưu giữ “ký ức”, suy nghĩ, tính cách, đặc điểm, cảm xúc và ý thức của con người.
Não người... Đó là một bí ẩn mà nhân loại còn đang khám phá (Ảnh minh họa: http://managementcraft.typepad.com)
1. Vỏ não, với độ dày chỉ vài mm, nhưng chứa tới 75% các tế bào não (khoảng từ 10 cho tới 100 tỉ tế bào). Vỏ não chính là nơi lưu giữ “ký ức”, suy nghĩ, tính cách, đặc điểm, cảm xúc và ý thức của con người.
2. Bộ não người có kích thước chỉ bằng 2 nắm tay. Nhưng khi trải phẳng ra, kích thước của não người có thể to bằng kích thước của một quả bóng rổ.
3. Vậy bộ não hình thành cảm giác như thế nào? Trong não có trên 30 nơi xử lý thông tin do mắt đưa lên. Ở phần vỏ não phụ trách cơ quan thị giác (visual cortex) và một khu vực liền kề đó, thông tin được phân loại, gắn kết và đánh dấu địa chỉ. Một vùng thứ 3 có trách nhiệm xác định hình dạng và chuyển động của vật. Vùng thứ tư phụ trách cả màu sắc và hình dạng, trong khi vùng thứ 5 theo dõi và vẽ ra bản đồ giúp chúng ta hiểu và đi theo chuyển động của vật.
4. Một điểm khác biệt lớn giữa não người và bộ nhớ máy tính: các chức năng của não người là các tín hiệu thuộc về hóa học chứ không phải tín hiệu điện. Não người không cần lập trình và hoạt động một cách tự phát.
Một vài nơ-ron có thể phản ứng tới 1.000 tín hiệu nhận được từ các cơ quan cảm thụ hoặc từ các nơ-ron khác (được gọi là hiện tượng tiếp hợp).
Ví dụ, ở cơ quan khứu giác (bị suy giảm nhiều ở cơ thể người) có tới 6 triệu nơ-ron hoạt động, mỗi nơ-ron nhận khoảng 10.000 tín hiệu từ các nơ-ron lân cận.
5. Mỗi nơ-ron trong não người đều có các tế bào phụ (khoa học gọi là glial). Những tế bào này giữ cho não luôn kết dính, hoạt động như một bộ phận cách ly điện giữa các nơ-ron, chống tiêm nhiễm và hình thành một hàng rào bảo vệ.
6. Bộ nhớ là gì? Thật khó có thể trả lời cặn kẽ bộ nhớ là gì! Nhưng các nhà khoa học đã phân biệt bộ nhớ tuyên nhận - declarative (các đồ vật) và bộ nhớ thủ tục - procedural (thói quen và tập tục).
Có nhiều loại bộ nhớ: bộ nhớ rất ngắn hạn, bộ nhớ ngắn hạn, bộ nhớ tạm thời - lưu giữ những thực tế vừa xảy ra, và bộ nhớ dài hạn - được lưu lại thành kỹ năng. Bộ nhớ dài hạn có liên quan đến vỏ não trước và các thông tin sau khi đã được chọn lọc để lưu vào bộ nhớ dài hạn sẽ truyền các xung điện qua một phần của bộ não gọi là hippocampus (tạm dịch là cá ngựa), quá trình cung cấp năng lượng cho bộ nhớ dài hạn, làm tăng khả năng của các nơ-ron để truyền tải thông điệp.
Một lý thuyết khác cho rằng các nhịp điệu điện trong não có liên quan mật thiết đến nhau. Những dao động lặp đi lặp lại (giống nhịp trống) giúp liên kết giữa các thông tin giữ lại được và chuyển động trong khi rất nhiều tế bào não được huy động.
Các nhà khoa học tin rằng có nhiều loại bộ nhớ được lưu lại tại các phần của bộ não, mỗi khái niệm trong bộ nhớ ở phần đó đều có liên quan đến nhau.
Hạch hạnh nhân, một nhân ở đáy não, xử lý các ký ức liên quan đến sự sợ hãi. Các tuyến basal gắn với thói quen và các kỹ năng vật lý, trong khi tiểu não lại liên kết với quá trình tiếp thu và những phản xạ có điều kiện.
7. Hoạt động ngôn từ phức tạp của con người có quan hệ với 2 nơi trên bộ não. Những gì chúng ta muốn nói được bắt đầu ở một phần của vỏ não trái gọi là “vùng Wernickle”. Vùng này trao đổi thông tin với “vùng Broca”, đảm bảo các quy tắc ngữ pháp. Xung điện đi từ những vùng này tới các cơ tham gia vào hoạt động phát ngôn. Những vùng này được gắn với các cơ quan thị giác (giúp chúng ta có thể đọc được), các cơ quan thính giác (giúp nghe thấy những gì người khác nói, hiểu và trả lời) và cũng có một nơi (gọi là ngân hàng bộ nhớ) giúp nhớ lại những ý kiến có giá trị.
8. Liên kết giữa các nơ-ron thay đổi liên tục, và khi không dùng đến chúng có thể tự động ẩn đi. Đó là lý do tại sao bộ não luôn cần những kích thích liên tục trong trí óc và các trò chơi tư duy.
Những đứa trẻ mới sinh không bị mù, nhưng chúng phải phát triển các cơ quan thị giác. Thoạt đầu, chúng chỉ nhìn thấy những vật ở gần kề. Dần dần, chúng bắt đầu nhìn được những vật đầy đủ 3 chiều khi có khả năng phân biệt được các hình ảnh do mắt đem lại. Nếu một trong hai mắt lúc đó bị vỗ nhẹ, đứa bé sẽ không thể nhìn thấy gì, vì khi tín hiệu đi vào từ mắt còn lại sẽ kiểm soát phần vỏ não phụ trách các cơ quan thị giác.
Âm nhạc giúp phát triển khả năng phát ngôn và cư xử xã hội của trẻ. Những đứa trẻ được học thêm ở các lớp nhạc có khả năng nói tốt hơn và đọc nhanh hơn những đứa khác. Các dụng cụ này có tác dụng nhiều trong việc phát triển kỹ năng của trẻ.
9. Bán cầu não phải có quan hệ mật thiết với xúc cảm và những ảnh hưởng của âm nhạc, trong khi bán cầu não trái thiên về phân tích hơn, có quan hệ với tư duy và khả năng lôgic.
Bùi Thành (Theo Softpedia)

Laptop "100 USD" bị kiện xâm phạm bản quyền

Một công ty công nghệ ở Massachusetts vừa đâm đơn kiện dự án Mỗi trẻ em một laptop (OLPC) vì tội xâm phạm bản quyền, tố cáo dự án này đã "đánh cắp mẫu thiết kế bàn phím đa ngôn ngữ" của họ.

Nguồn: OLPC
Đơn kiện được Lancor nộp lên Tòa án Tối cao Liên bang, trong đó nhấn mạnh hãng này hiện đang sở hữu bằng sáng chế liên quan đến bàn phím đặc biệt, với số lượng phím Shift lên tới 4 phím (thay vì 2 phím như thông thường).
"4 phím Shift sẽ cho phép máy tính xử lý nhiều ngôn ngữ cùng lúc tốt hơn", Giám đốc điều hành Adrew Oyegbola tuyên bố. "Tuy nhiên, OLPC đã cố tình "cầm nhầm" thiết kế này".
Trên thực tế, Lancor từng tìm cách liên lạc với OLPC và thuyết phục dự án này đàm phán, dàn xếp. Mặc dù vậy, "bên họ đã không thể hiện thái độ thiện chí chút nào".
Đại diện của OLPC một mực khẳng định toàn bộ các công nghệ sử dụng bên trong laptop "100USD" hoặc là thuộc sở hữu trí tuệ của OLPC, hoặc đã được mua giấy phép đầy đủ, hợp pháp.
"Trừ phi chúng tôi được xem đơn tố cáo trực tiếp và dành thời gian kiểm tra lại, nếu không chúng tôi cũng không biết bình luận gì hơn".
Mục tiêu của OLPC là sản xuất ra những cỗ laptop giá rẻ để phục vụ nhu cầu học tập của trẻ em tại các nước đang phát triển. Ban đầu, mức giá kỳ vọng đặt ra là 100 USD/cỗ máy, nhưng hiện tại, do OLPC đã phải điều chỉnh lên xấp xỉ 200 USD.
Khi được yêu cầu bình luận về dự án này, ông Oyegbola của Lancor tuyên bố "laptop có thể có ích với trẻ em châu Phi thật, nhưng chúng vẫn còn nhiều nhu cầu khác khẩn thiết hơn nhiều. Tôi nghĩ chúng cần một phòng học hơn".
từ Vietnamnet

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2007

Lực hấp dẫn - dây cáp vô hình siêu khỏe

Bạn hãy thử tưởng tượng, không biết vì cớ gì lực hút của mặt trời bỗng nhiên biến mất. Và trái đất, thay vì quay trên quỹ đạo, lại có nguy cơ trôi dạt vào vũ trụ mênh mông. Lúc đó, các kỹ sư quyết định dùng những dây thép nối mặt trời với hành tinh của chúng ta. Sản phẩm tạo ra là một rừng cột thép...
Cái gì có thể bền hơn thép - loại vật liệu có khả năng chịu được sức căng 1000N/mm2? Vật liệu tốt nhất để giữ chặt trái đất chạy xung quanh mặt trời ắt phải là những dây thép.
Bạn hãy hình dung ra một cột thép khổng lồ đường kính là 5 mét. Tiết diện ngang của nó tính tròn là 20 000 000 mm2, do đó cột này chỉ có thể bị kéo đứt bởi một vật nặng 20 000 000 000N.
Bạn hãy tưởng tượng thêm rằng cột thép đó nối liền trái đất với mặt trời. Bạn có biết là phải dùng bao nhiêu cột thép rắn chắc như thế mới giữ cho trái đất chuyển động theo quỹ đạo của nó không. Phải hàng triệu triệu cột. Để hình dung được cụ thể cái “rừng” cột thép căng chi chít ở các lục địa và đại dương, xin nói thêm rằng nếu phân bố đều các cột thép đó trên khoảng một nửa địa cầu hướng về phía mặt trời, thì khoảng cách giữa chúng chỉ hơi rộng hơn đường kính của cột một ít.

Bạn hãy hình dung ra cái lực cần thiết để làm đứt cả một “rừng” thép khổng lồ này, và bạn sẽ quan niệm được sự vĩ đại của lực hấp dẫn vô hình giữa trái đất và mặt trời.
Thế mà toàn bộ lực vĩ đại đó lại chỉ biểu lộ ra ở chỗ, khi nó làm cong đường đi của trái đất, thì mỗi giây nó bắt trái đất phải lệch khỏi tiếp tuyến của mình một khoảng 3 mm. Nhờ đó mà quỹ đạo của hành tinh chúng ta trở thành một đường cong kín, hình bầu dục.
Liệu như thế không lạ hay sao: muốn cho trái đất mỗi giây lệch đi 3 mm mà phải cần tới một lực khổng lồ đến thế! Điều đó chỉ chứng tỏ rằng, khối lượng của quả địa cầu to lớn đến nhường nào, vì ngay cả một lực khổng lồ như vậy mà cũng chỉ làm nó chuyển dời một khoảng cách nhỏ bé không đáng kể.

Làm thế nào để bảo vệ mình giữa cơn dông?

Trong cơn dông, đáng sợ nhất không phải là bầu trời đen kịt, gió rít ào ào, sấm giật hay màn nước táp xiên vào mặt, mà là những cú sét chết người đánh xuống đất. Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia nếu bạn chỉ có một mình trong cơn dông.
Trên các cánh đồng
Các tình huống dễ bị sét đánh: cầm dụng cụ bằng sắt trên tay, đứng gần gốc cây.
Trước tiên, để không bị đe dọa bởi nguy cơ cái cây đổ xuống đúng đầu, bạn hãy tránh xa các gốc cây, đặc biệt là những cây đứng riêng lẻ. Thực tế là những ngọn gió mạnh trong suốt cơn mưa khiến cho khả năng che mưa của cây không còn, nhất là khi trời mưa như trút nước. Sau nữa, với độ cao của nó, cái
cây sẽ thu hút sét . Và vì khung xương của người có điện trở nhỏ hơn gỗ, nên chúng ta sẽ là một phương tiện tốt hơn cho sét tiếp đất. Khi bạn đứng cách xa cây, thậm chí khi đứng thẳng, cũng giảm nguy cơ thu hút sét hơn 50 lần.
Thế nhưng nguy hiểm vẫn còn. Người nông dân, với các dụng cụ bằng sắt trên tay, cũng vô tình biến mình thành mục tiêu của sét. Vì vậy, cách tốt nhất khi gặp dông tố ở nơi trống trải như cánh đồng là quỳ xuống đất. Dù có hơi bẩn, nhưng bạn ít có nguy cơ chạm trán Thiên Lôi.
Còn nếu đang bơi

Một tình huống nguy hiểm! Sét không cần đánh trực tiếp lên một người đang bơi vẫn có thể biến anh ta trở thành nạn nhân. Vì thực tế dòng điện từ trên trời không biến mất ngay khi nó đánh xuống đất, mà chỉ yếu dần trong môi trường đất. Bởi vì nước là một chất dẫn điện tốt. Do vậy, khi đánh xuống nước, hoặc xuống mặt đất ở gần đó, dòng điện sẽ rất dễ dàng chạy tới người. Vì vậy, không nên bơi khi trời nổi dông.
Trong xe hơi
Chiếc xe là một nơi ẩn nấp an toàn trong cơn dông. Ở đây, nó đóng vai trò tương tự như một “chiếc lồng Faraday” (tên của nhà khoa học đầu tiên đã chứng minh rằng việc ẩn mình phía trong một cấu trúc bằng kim loại là biện pháp tốt nhất để tránh sét). Nếu sét đánh trúng xe thì điện sẽ dẫn truyền trên vỏ xe mà không xuyên vào phía trong trước khi tiếp xúc với mặt đất. Do vỏ xe bằng kim loại dẫn điện tốt hơn nhiều so với không khí trong xe, nên dòng điện cực mạnh của sét sẽ được truyền nhanh chóng xuống mặt đất. Tuy nhiên, trong tình huống này, những người ngồi trong xe tuyệt đối không được sờ vào máy thu thanh hay bất kỳ một bộ phận kim loại nào khác của xe. Và nhất là không được bỏ mui.
Các tình huống dễ bị sét đánh: cầm dụng cụ bằng sắt trên tay, đứng gần gốc cây.

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

[Kế hoạch]Người Giáo viên Vật lý tương lai

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH – HỘI SINH VIÊN VIỆT NAM
TP HỒ CHÍ MINH – TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – KHOA VẬT LÝ
BCH CHI ĐOÀN-HỘI LÝ III
TP Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 10 năm 2007

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC
CUỘC THI “ NGƯỜI GIÁO VIÊN VẬT LÝ TƯƠNG LAI”

I. Mục đích – yêu cầu:
1. Mục đích:
- Nhằm tiếp tục truyền thống khoa Vật Lý hằng năm.
- Chuẩn bị kiến thức cho sinh viên tham gia các đợt thực tập sư phạm và giáo dục lòng yêu nghề cho các giáo sinh sư phạm.
2. Yêu cầu:
- Nội dung thi phải có trong chương trình học, có liên hệ với thực tiễn giáo dục
- Thể thức thi phải sáng tạo, thu hút được sinh viên mà vẫn đảm bảo nội dung.
- Tất cả các chi Đoàn khoa Vật Lý đều tham gia, mỗi đội có ít nhất 10 người cổ vũ ( Có giải thưởng hấp dẫn cho đội cổ vũ nhiệt tình)
- Các đội đến trước 7h để ban tổ chức sắp xếp chỗ ngồi.
II. Thời gian – địa điểm:
1. Thời gian: 7 : 00h đến 12 : 00h ngày 02 tháng 12 năm 2007
2. Địa điểm: Giảng đường D, 280 An Dương Vương, P.4, Q.5.
III. Thành phần tham dự:
- Sinh viên khoa Vật Lý thuộc các hệ đào tạo.
- Mỗi chi đoàn nhỏ cử một đội gồm 3 thành viên tham dự, chi đoàn lớn có thể cử hai đội.
- Danh sách tham dự, đề tài bài giảng, tình huống và cách xử lý đăng ký cho ban tổ chức trước ngày 25 tháng 11 năm 2007 bằng cách gửi qua hộp thư khoa Vật Lý.
- Ban giám khảo là thầy cô trong khoa Vật Lý.
IV. Nội dung thi:
- Lịch sử Vật Lý – lịch sử giáo dục.
- Phương pháp giảng dạy Vật Lý.
- Tâm lý học.
- Giáo dục học: dạy học và giáo dục.
- Kỹ năng đứng lớp, xử lý tình huống sư phạm, …
V. Hình thức thi:
Cuộc thi được tổ chức thành 2 vòng: vòng loại và vòng chung kết.
1. Vòng loại:
- Tất cả các đội đều tham dự và ngồi ở khu vực do ban tổ chức sắp xếp lúc 7h.
- Mỗi đội trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 10 phút. Nội dung xoay quanh các kiến thức về giáo dục học, kiến thức Vật lý phổ thông, lịch sử giáo dục, lịch sử Vật lý, tâm lý học.
- Ban tổ chức chọn 4 đội có điểm cao nhất vào vòng chung kết. Kết quả công bố sau 10 phút.
2. Vòng chung kết: gồm 3 phần thi.
a. Phần 1: Xử lý tình huống sư phạm.
- Mỗi đội chuẩn bị một tình huống sư phạm, nội dung xoay quanh cách ứng xử của giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh, giáo viên với đồng nghiệp …
- Các đội thi đấu theo vòng tròn. Đội này đưa tình huống cho đội tiếp sau và xử lý tình huống của đội liền trước.
- Sau mỗi phần trả lời, khan giả sẽ đặt câu hỏi thêm về tình huống.
- Cuối cùng đội ra đề công bố đáp án
- Thời gian tối đa để ra đề hay trả lời một tình huống là 5 phút.
- Điểm ra tình huống là 50 điểm: nội dung hỏi 30 điểm, hình thức hỏi 20 điểm.
- Điểm trả lời là 100 điểm: nội dung trả lời 50 điểm, hình thức trả lời 20 điểm, đối đáp khán giả 30 điểm.
b. Phần 2: “Tôi – người giáo viên Vật lý”.
- Mỗi đội chọn 1 nội dung trong chương trình Vật lý phổ thông để xây dựng bài giảng. Một thành viên trong đội sẽ giảng trước khán giả ( xem khán giả là học sinh).
- Thời gian giảng bài là 10 phút.
- Điểm tối đa 100 điểm: nội dung bài giảng: 30 điểm, hình thức thể hiện ( giọng nói, cách trình bày,…): 50 điểm, sáng tạo : 20 điểm.
c. Phần 3: “Kể chuyện danh nhân Vật lý”.
- Mỗi đội chọn ra một nhà Vật lý, dựng một tiểu phẩm ngắn về tiểu sử, về một câu chuyện liên quan đến nhà Vật lý đó.
- Thời gian tối đa một tiểu phẩm là 5 phút.
- Các đội tự chuẩn bị đạo cụ, trang phục cho tiểu phẩm.
- Sau đó, mỗi đội đưa ra một câu hỏi cho khán giả xung quanh nội dung tiểu phẩm hoặc xung quanh nhà Vật lý học đó. Ban tổ chức chuẩn bị quà cho khán giả.
- Điểm tối đa 100 điểm: nội dung tiểu phẩm 40 điểm, hình thức thể hiện 40 điểm, câu hỏi cho khán giả 20 điểm.
3. Một số lưu ý:
- Các đội tham gia phải ăn mặc lịch sự, thành viên tập giảng: là nữ phải mặc áo dài, là nam phải mặc áo sơ mi bỏ vào quần.
- Mối phần thi, vượt quá thời gian qui định sẽ trừ tương ứng 1 điểm nếu trễ 5 giây.
- Thi tình huống và tiểu phẩm, các đội có thể nhờ sinh viên trong lớp hỗ trợ nhưng tất cả thành viên trong đội đều phải tham gia.
- Bài giảng có thể trình bày bằng phấn, bảng hoặc trình chiếu Powerpoint.
- Đăng ký danh nhân Vật lý trước ngày 15 tháng 11 năm 2007 qua tin nhắn cho số điện thoại 0906309420.
VI. Tài liệu tham khảo:
- Sách giáo khoa Vật lý phổ thông.
- Giáo dục học
- Tâm lý học đại cương + tâm lý học sư phạm
- Lịch sử Vật lý
- Phương pháp giảng dạy Vật lý
- Lịch sử giáo dục.
VII. Giải thưởng:
-Giải nhất 150000 đồng + hoa
- Giải nhì 120000 đồng + hoa
- Giải ba 90000 đồng + hoa
- Giải khuyến khích 60000 đồng + hoa
+ Có quà thưởng dành cho khán giả cổ vũ nhiệt tình ( khuyến khích khán giả chuẩn bị tiết mục văn nghệ)
VIII. Ban tổ chức:
- Huỳnh Thị Bé Ren Trưởng ban
- Đoàn Minh Thông Phó ban
- Phạm Thị Tuyết Mai Phó ban
- Bùi Thị Tỉnh Thành viên
- Trương Thùy Kiều Oanh Thành viên
IX. Tiến độ thực hiện:
- 24/10 đến 05/11 : Hoàn thành kế hoạch, đưa khoa duyệt.
- 10/11: Thông báo các lớp
- 25/11: Hạn cuối đăng ký danh sách, giáo án, đề tài xử lý tình huống
- 02/12 : Tổ chức
- 18/11 : Đưa nội dung trắc nghiệm

Ý kiến BCH Đoàn khoa Ý kiến BCN khoa TM. BTC
Trưởng ban



Huỳnh Thị Bé Ren



Nơi nhận:
- BCH Đoàn Khoa
- BCN Khoa
- Các chi Đoàn trong Khoa Vật Lý
- Lưu.

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

[VC]Hành trình trên đất phù sa

Tiết mục "Hành trình trên đất phù sa" (Lý 2BT-LA), giải nhất nội dung song tam ca tại hội diễn văn nghệ khoa Vật lý 2007.

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

Có dễ dàng bóp vỡ được vỏ trứng không?

Bạn có thể nghĩ rằng việc ấy quả là trò trẻ con! Ấy chớ, mặc dù mỏng là thế nhưng vỏ của một quả trứng thông thường cũng không phải là quá mảnh dẻ. Muốn bóp vỡ bằng cách ép hai đầu nhọn của nó vào lòng bàn tay, bạn phải "vận công" tương đối đấy.
Chính hình dáng lồi của vỏ trứng đã khiến cho nó vững bền một cách lạ thường như thế. Nguyên nhân của hiện tượng cũng giống như tính vững bền của các loại cửa cuốn hình vòm dưới đây:

Click vào hình để xem rõ hơn.
Trong hình là một cái cửa sổ bằng đá xây cuốn như thế. Sức nặng S (tức là trọng lượng của các phần nằm bên trên của bức tường) tỳ lên viên đá hình cái nêm chèn ở giữa vòm cuốn sẽ đè xuống dưới một lực, biểu diễn bằng mũi tên A trên hình vẽ. Nhưng hình dạng cái nêm của viên đá làm cho nó không thể tụt xuống dưới được mà chỉ có thể đè lên những viên đá bên cạnh thôi. Ở đây lực A có thể phân tích làm hai lực B và C, theo quy tắc hình bình hành. Các lực này cân bằng với sức cản của các viên đá nằm dính sát nhau, rồi đến lượt chúng mỗi viên đá lại chịu sự nén chặt của các viên đá xung quanh. Như vậy lực từ bên ngoài đè lên cái cửa xây cuốn sẽ không thể làm cửa bị hỏng được.
Thế nhưng, lực tác dụng từ bên trong ra lại có thể làm đổ cái cửa này tương đối dễ dàng. Lý do cũng dễ hiểu: hình dạng cái nêm của các viên đá chỉ giữ không cho chúng tụt xuống, chứ chẳng hề ngăn chúng đi lên chút nào.
Vỏ quả trứng chẳng qua cũng là một cái vòm cửa nói trên, chỉ có điều nó được cấu tạo bởi một lớp liền nhau. Khi có sức ép từ bên ngoài vào thì nó không dễ bị vỡ tan ra như ta tưởng. Có thể đặt một chiếc ghế khá nặng dựa chân lên 4 quả trứng sống mà chúng vẫn không bị vỡ. Bây giờ chắc bạn đã hiểu tại sao thân gà mẹ cũng khá nặng, mà khi xéo lên ổ không làm vỡ trứng, trong khi chú gà con yếu ớt lúc nở ra lại có thể dùng mỏ phá tung dễ dàng lớp vỏ bao bọc bên ngoài.
Tính bền vững kỳ lạ của các bóng đèn điện - những thứ thoạt như rất mảnh dẻ và giòn - cũng được cắt nghĩa như tính bền vững của vỏ trứng. Sự bền vững của chúng còn làm ta ngạc nhiên hơn nữa, nếu bạn nhớ rằng có loại bóng đèn bên trong là khoảng chân không tuyệt đối, không một tí gì có thể chống lại áp suất của không khí bên ngoài. Thế mà độ lớn của áp suất không khí trên một bóng đèn điện lại chẳng phải là nhỏ: một bóng đèn có đường kính 10 cm phải chịu một lực trên 700 N (bằng trọng lượng của một người) ép vào từ mọi phía. Bóng đèn chân không còn "cao thủ" hơn, nó có thể chịu được một áp suất lớn hơn áp suất trên 2,5 lần.

Tại sao đóng chặt cửa sổ mà vẫn cảm thấy gió?

Người ta thường hay nhận thấy có gió thổi từ cửa sổ hoàn toàn đóng kín, không có lấy một khe hở nhỏ. Điều này tưởng chừng rất kỳ lạ. Thật ra, đó là chuyện hoàn toàn bình thường. Kiến thức vật lý đơn giản sẽ giúp bạn hiểu điều này.
Không khí trong phòng hầu như không bao giờ hoàn toàn yên lặng. Trong phòng thường có những dòng khí vô hình sinh ra do không khí bị nóng lên hay lạnh đi. Khí nóng lên sẽ nở ra và nhẹ đi, còn gặp lạnh thì ngược lại, co cụm và trở nên nặng hơn. Không khí nhẹ, nóng ở gần lò sưởi sẽ bị không khí lạnh đẩy lên cao, tới trần nhà, còn không khí lạnh tương đối nặng ở gần cửa sổ hay tường lạnh sẽ chìm xuống gần sàn nhà.
Dùng một quả bong bóng, chúng ta có thể phát hiện dễ dàng những luồng khí này. Chú ý là phải buộc một vật nặng con con vào cái bong bóng ấy để cho nó khỏi bám mãi vào trần nhà mà có thể tự do lơ lửng trong không khí. Đưa nó lại gần chiếc lò sưởi đang rực lửa rồi thả ra, nó sẽ bị những luồng khí vô hình lôi đi "du lịch" ở trong phòng, từ lò lửa lên trần nhà, ra cửa sổ rồi hạ xuống sàn nhà, và trở lại lò lửa để tiếp tục cuộc dạo chơi trong phòng.
Đó là lý do tại sao chúng ta cảm thấy có gió thổi từ cửa sổ, nhất là ở dưới chân, mặc dù cửa đóng kín.

Có thật kiến là những kẻ lao động gương mẫu?






Nhiều người từng ca ngợi kiến chăm chỉ, có tinh thần tập thể cao, là tấm gương sáng mà con người cần học tập! Sai. Thực tế, kiến không hề biết có bạn bè, mà con nào con nấy chỉ biết chăm chăm vào việc của mình, cản trở lẫn nhau. May thay, định luật tổng hợp lực đã giúp những hành động hỗn loạn của chúng thành ra có vẻ hợp lý.
Trong cuốn "Bản năng", nhà động vật học Elaxit viết: "Nếu có hàng chục con kiến tha miếng mồi trên mặt đất phẳng lỳ, thì hết thảy bọn chúng đều cố gắng như nhau, và nhìn bề ngoài, ta tưởng rằng chúng đồng tâm hiệp lực lắm. Nhưng khi miếng mồi ấy, con sâu chẳng hạn, vướng phải một cọng cỏ hoặc một hòn đá nhỏ, không thể kéo thẳng đi được, mà phải kéo vòng quanh, thì bạn sẽ thấy ngay rằng con nào con nấy chỉ biết việc của mình, không biết phối hợp với nhau để vượt chướng ngại vật. Con kéo về bên phải, con kéo về bên trái, con về đằng trước, con kéo giật lùi. Chúng chạy lăng xăng từ chỗ này qua chỗ khác, cắn vào mình sâu, chú nào chú nấy cứ thế đẩy và kéo theo ý riêng. Đến khi tình cờ chúng tìm ra một hợp lực vì 6 con đẩy về một phía, còn 4 con kéo về một phía khác, thì rốt cục mồi di chuyển về phía đẩy của 6 con kiến kia. Thế là chúng tìm được lối thoát, dù 6 con cứ việc đẩy còn 4 con kia cứ việc cản".
Bây giờ chúng ta có một miếng phó mát (hình bên) và 40 con kiến tha miếng phó mát ấy. 20 con ở đầu A, 10 con ở đầu B, và mỗi bên có 5 con. Người ta có thể tưởng tượng ra một kiểu cộng tác lý tưởng là 20 con ở đầu A kéo, 10 con ở đầu B đẩy, còn 10 con ở hai bên thì huých vai, cùng đưa miếng phó mát về phía trước. Tuy nhiên, khi dùng con dao gạt hết 10 con kiến ở phía sau đi thì miếng phó mát lại chuyển động nhanh hơn! Thì ra 10 con ở phía sau không đẩy mà cứ kéo miếng phó mát về phía mình. Kiến chẳng hợp tác gì cả, mà con nào cũng ra sức kéo miếng mồi về phía nó theo bản năng chiếm hữu. Thực tế, để tha miếng phó mát chỉ cần 10 chú kiến biết hợp sức kéo về một phía là đủ, 40 con kiến chỉ cản trở nhau thêm.
Trong một truyện ngụ ngôn, Mark Twain đã kể về cuộc gặp gỡ giữa hai con kiến và một cái càng châu chấu như sau: "Mỗi con cắn một đầu và ra sức kéo về hai phía ngược nhau. Cả hai đều nhận thấy tựa hồ có gì không ăn khớp, nhưng rút cục chúng chẳng hiểu tại sao. Thế rồi chúng cãi nhau và đánh nhau... Về sau, chúng làm lành với nhau và lại bắt đầu cái công việc cộng tác vô nghĩa này.
Nhưng bây giờ người bạn bị thương trong cuộc đánh lộn lại trở thành một chướng ngại vật: Nó không chịu bỏ mà cứ bám chặt lấy miếng mồi. Con kiến khoẻ mạnh kia phải gắng hết sức mới tha được cả miếng mồi lẫn người bạn bị thương về tổ".
Kết thúc câu chuyện, Mark Twain châm biếm: "Chỉ qua con mắt của những nhà vạn vật học thiếu kinh nghiệm, toàn đưa ra những kết luận mơ hồ, thì kiến mới là kẻ lao động gương mẫu".

Hiệu trưởng ngồi “nhầm ghế”: Sở Giáo dục thiếu trách nhiệm?






– Một sự thiếu trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo TT- Huế về việc tham mưu bổ nhiệm hiệu trưởng một số trường THPT trên địa bàn đã gây nhiều bất bình trong dư luận giáo viên, phụ huynh và cả học sinh.

Chuyển đổi chức năng, không cần bổ nhiệm lại hiệu trưởng?




Trường Đặng Trần Côn, nơi hiệu trưởng ngồi nhầm ghế! Ảnh: Đăng Khoa.
Từ năm 2002, để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh khối THPT đang có xu hướng phát triển mạnh trên địa bàn TT-Huế, Sở GD-ĐT TT-Huế đã làm tờ trình số 734/TCCB ngày 09/07/2002 gửi UBND tỉnh và Ban Tổ chức chính quyền tỉnh (nay là Sở Nội vụ TT-Huế), đề nghị đổi tên 5 trường THCS thành THPT, trong đó có Trường THCS BC Đặng Trần Côn.

Bắt đầu từ năm học 1997-1998, trường này được giao nhiệm vụ tuyển sinh thêm lớp 10 để đáp ứng nhu cầu học tập của cấp phổ thông trên địa bàn TP.Huế. Ngày 20/08/2002, UBND tỉnh đã chính thức ra quyết định số 2114/QB-UB đổi tên trường thành THPT BC Đặng Trần Côn.

Đây là một việc làm đúng đắn bởi lượng học sinh trên địa bàn tăng, và thực hiện chính sách xã hội hoá giáo dục.

Tuy nhiên, sẽ không có gì đáng nói nếu Sở GD-ĐT TT-Huế làm đúng nguyên tắc thành lập trường THPT do Bộ GD-ĐT quy định. Một loạt hiệu trưởng các trường vừa được chuyển đổi chức năng đào tạo đều không có quyết định bổ nhiệm lại do UBND tỉnh TT-Huế cấp. Trong đó có hiệu trưởng Trường PTTH BC Đặng Trần Côn.

Ông Trương Văn Hoà - Hiệu trưởng Trường Đặng Trần Côn vẫn nghiễm nhiên là hiệu trưởng trong nhiều năm khi không hề có quyết định bổ nhiệm. Và việc này gây bất bình trong dư luận. Nhiều đơn thư phản ánh đã được gửi lên các cấp có thẩm quyền.

Theo điều 18 chương II ở mục 4 điều lệ trường THPT quy định: Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được uỷ quyền ra quyết định bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học công lập có cấp THPT và ra quyết định công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học tư thục có cấp THPT. (Theo đề nghị của giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)

Trong lúc đó, ông Trương Văn Hoà chỉ có quyết định bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS BC Đặng Trần Côn từ năm 1996 và đã hết nhiệm kỳ.

Vào ngày 5/9/2005, Sở GD-ĐT TT-Huế đã ra Thông báo số 270/TCCB là ông Trương Văn Hoà đã hết nhiệm kỳ làm Hiệu trưởng Trường THCS BC Đặng Trần Côn. Hiện nay, trường đã đổi chức năng mới thì cần phải có quyết định bổ nhiệm của UBND tỉnh làm Hiệu trưởng trường này.

Trong thực tế khi chuyển thành trường THPT, ông Hoà vẫn ký tên đóng dấu với cương vị Hiệu trưởng Trường THPT BC Đặng Trần Côn khi chưa được bổ nhiệm trong nhiều năm qua.

Cũng theo điều lệ nêu trên, việc chuyển từ THCS lên THPT mà không bổ nhiệm lại hiệu trưởng là việc làm vi phạm.

Điều này không chỉ xảy ra tại THPT BC Đặng Trần Côn, mà cùng tồn tại ở các trường: THPT Thừa Lưu, THPT Bình Điền, THPT Hương Vinh, THPT Hoá Châu trong cùng thời điểm.

Hai văn bản kết luận “cãi nhau”!


Văn bản kết luận của Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Lê Thư: "Không có việc ngồi nhầm ghế"Phản ứng trước sự thiếu tôn trọng kỷ cương, quy chế và điều lệ do Bộ GD-ĐT ban hành, ông Phan Văn Công, Phó Hiệu trưởng Trường THPT BC Đặng Trần Côn đã có đơn thư phản ánh, thắc mắc về hiện tượng này gửi cho Sở GD-ĐT TT-Huế.

Thanh tra Sở đã vào cuộc, và ngày 10/04/2007, thanh tra Sở GD-ĐT TT-Huế đã ban hành kết luận thanh tra số 17/KL-TR do Chánh thanh tra Lê Thư ký. Tuy nhiên, nội dung của văn bản này lại gây thêm nhiều bất bình trong giáo viên.

Trong kết luận này, thanh tra Sở đã khẳng định việc ông Trương Văn Hoà giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPT BC Đặng Trần Côn là hợp pháp, việc ông Phan Văn Công có đơn thư phản ánh (thực chất là tố cáo) là không đúng sự thật.

Theo lập luận của thanh tra Sở GD-ĐT TT-Huế, việc chuyển chức năng trường mà không có quyết định bổ nhiệm lại hiệu trưởng, tức là UBND tỉnh đã đương nhiên chấp nhận và tiếp tục giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường THCS cũ giữ chức vụ hiệu trưởng trường THPT mới mà không cần bổ nhiệm lại !?

Đồng thời, bản kết luận này cũng “nhập nhằng” rằng: quyết định của UBND tỉnh là quyết định đổi tên trường chứ không phải là thành lập trường mới cho nên UBND không ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng mới!

Kết luận thanh tra này chưa giải quyết thoả đáng bản chất vụ việc, ông Phan Văn Công đã làm đơn kiến nghị gửi lên Thành uỷ TT-Huế và Uỷ ban kiểm tra Đảng Thành uỷ TT-Huế, để kiến nghị việc xem xét giải quyết thắc mắc của ông.


Văn bản của Giám đốc Sở: Ông Hiệu trưởng chưa có quyết định bổ nhiệm, do Sở quên!Tiếp tục giải đáp thắc mắc, Giám đốc Sở GD-ĐT TT-Huế Nguyễn Thị Thu Hà ký kết luận số 1556/KL-SGD&ĐT-TTr ngày 3/9/2007, về việc giải quyết đơn thư phản ánh của ông Công.

Ngược lại với nội dung văn bản do Chánh thanh tra Lê Thư ký, văn bản kết luận này thừa nhận rằng việc ông Hoà giữ chức vụ Hiệu trưởng mà chưa có quyết định bổ nhiệm là có thật. Việc phản ánh của ông Phan Văn Công là đúng.

Điều này được Sở GD-ĐT lý giải rằng vào thời điểm đó Sở chưa kịp thời tham mưu cùng Sở Nội vụ để đề nghị UBND tỉnh ra quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THPT BC Đặng Trần Côn. Nhưng thực tế những năm qua, hiệu trưởng trường vẫn điều hành trường mà không gặp một trở ngại nào về mặt pháp lý!

Điều đáng lưu ý là, việc “chưa kịp thời” ấy đã xảy ra từ năm 2002, kéo dài gần 5 năm và đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Ông Trương Văn Hoà vẫn nghiễm nhiên làm Hiệu trưởng.

Không hiểu vì lý do gì mà Sở Giáo dục và Đào tạo lại quên một việc được quy định rất rõ trong quy định điều lệ trường THPT do Bộ GD-ĐT ban hành trong một thời gian quá dài như vậy!

Kết luận về vụ việc này, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, Sở GD-ĐT TT-Huế đã có 2 văn bản “cãi nhau”!

Kỳ Nhân - Đăng Khoa (Theo VietNamNet)

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

[Thông báo]Hội diễn văn nghệ

Thông báo số 3

1. Lớp Lý 4A xin rút 1 tiết mục song ca (Viễn Khoa – Mai An), lớp Lý 2CQ xin rút 1 tiết mục đơn ca (Bá Trình). Tổng số tiết mục hiện nay là 26 lớp, trong đó có 1 tiết mục chưa có tên của lớp Lý 4B. Tiết mục đơn ca còn lại của Lý 4A “Liên khúc Tìm lại và Mặt trời êm dịu”

2. Hội diễn chính thức bắt đầu lúc 18g15. Đề nghị các tiết mục 1, 2, 3 có mặt lúc 5g45 để chuẩn bị. Các tiếc mục khác có mặt trước ít nhất 3 tiết mục để chuẩn bị. Đĩa CD nhạc liên hệ khu vực âm thanh (đ/c Thanh), các dụng cụ nhạc khác như đàn, trống nếu cần chuẩn bị cũng cần liên hệ trước.

3. Vì chương trình có thể dài hơn dự kiến nên các bạn hãy chú ý giờ lấy xe hoặc gửi qua nhà sách, bãi xe trường Tự nhiên để đề phòng bị giam xe. Chương trình dự kiến kết thúc lúc 21g00 (đúng giờ lấy xe)

4. Căn cứ vào tình hình đăng ký tiết mục của các lớp, BTC quyết định trao giải thưởng cho 2 nội dung Đơn ca và Tốp ca (bao gồm cả song và tam ca), trao quà lưu niệm cho các nội dung Múa – Nhảy (do chỉ có 2 tiết mục). Giải thưởng cho mỗi nội dung gồm 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba.

[Thông báo]Về một số thông tin liên quan đến các tiết mục diễn

Phản hồi chính thức của Tô Lâm Viễn Khoa - Bí thư Đoàn khoa, người đã xếp lịch diễn các tiết mục.

Vừa qua, sau khi đã có lịch diễn của chương trình hội diễn văn nghệ khoa Lý, BTC cụ thể là tôi đã nhận được các ý kiến phản hồi của các bạn. Nay, xin trả lời chính thức các ý kiến của các bạn:

- Về việc lớp Lý 4A, 4B không có tiết mục tốp ca, cũng như chưa có đăng ký bài mà đã có lịch diễn. Do vẫn chưa có sự thống nhất giữa các thành viên cũng như chọn bài nên các tiết mục vẫn chưa thể có tên. Tuy nhiên, lớp vẫn đăng ký và hứa hẹn sẽ bổ sung sau. Nay, chính thức thì lớp Lý 4A chỉ tham gia 1 tiết mục đơn ca (LK "Tìm lại" và "Mặt trời êm dịu"), lớp 4B vẫn còn chờ câu trả lời vào ngày mai. Rất mong các bạn thông cảm vì chương trình năm cuối khá nặng nên không thể huy động một tập thể diễn như mong muốn.

- Về việc lớp 2CQ dự thi 5 tiết mục (vượt so với mức tối đa 3 tiết mục). Tôi đã trực tiếp liên hệ với lớp Lý 2CQ và được giải thích là do chưa đọc kỹ điều lệ (chính xác là chưa đọc). Các bạn trong lớp đã đăng ký nên bây giờ nói các bạn rút lại là rất khó. Cá nhân tôi rất thông cảm với các bạn, đồng thời lớp Lý 3CQ không tham gia nên để lớp 5 tiết mục. Tuy nhiên, nhân việc này, tôi cũng nhắc nhở các lớp phải đọc kỹ điều lệ để đăng ký đúng.

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

[Tin tức]Bổ nhiệm Hiệu trưởng mới trường ĐH Sư phạm TPHCM

Thông báo về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh



Ngày 13 tháng 11 năm 2007 Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân kí quyết định số 7279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm TS.Bạch Văn Hợp - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nhiệm kì 2004 - 2009.

(hcmup.edu.vn)

[Tin tức]Lịch diễn văn nghệ hội diễn văn nghệ khoa lý 2007

ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

KHOA VẬT LÝ

LỊCH DIỄN CÁC TIẾT MỤC TRONG ĐÊM VĂN NGHỆ

(18g, thứ 4, ngày 21/11/2007, tại Hội trường 1)

STT

Thể loại

Tên tiết mục

Lớp

1

Tốp ca

Đến với con người Việt Nam tôi

1CQ

2

Song ca

Aó trắng đến trường

3BT

3

Tốp ca

Giấc mơ tà áo trắng

1LAKG

4

Đơn ca

Người thầy

3CN

5

Múa

Giấc mơ tà áo trắng

2CQ

6

Tốp ca

Ngôi trường dấu yêu

3BT

7

Tốp ca

Mong đợi ngậm ngùi

3VT

8

Tốp ca

Ngày Gió Và Cánh Diều

2BTLA

9

Đơn ca

Còn ta với nồng nàn

2CN

10

song ca

Tình yêu tôi hát

2NTĐN

11

Song ca


4A

12

Đơn ca


4B

13

Song ca

Hành trình trên đất phù sa(*)

2BTLA

14

Đơn ca

Lời ru cho con

2CN

15

Đơn ca

Bản hùng ca chim lạc

3VT

16

Múa

Candy man

2NTĐN

17

Đơn ca

Còn đó chút hồng phai

1CQ

18

Song ca

Vùng trời bình yên

1LAKG

19

Đơn ca

Nếu phải xa nhau

3CN

20

Đơn ca

Ký ức học trò(*)

3BT

21

Song ca

Ngôi trường dấu yêu

3VT

22

Song ca

Người Thầy

2BTLA

23

Đơn ca

Mong ước kỷ niệm xưa

2CQ

24

Đơn ca


4A

25

Song ca

Nụ cười thiên thần

2CQ

26

Đơn ca

Thoáng mây bay

2 CQ

27

Tam ca

Vào đời

2CN

28

Đơn ca

Ngày xưa Hòang Thị

2CQ


Tổng cộng có 28 tiết mục.

Trong đó có

Đơn ca

12

Song ca

8

Tốp ca

6

Múa

2

1CQ

2

2CQ

5

3CQ

0

1LAKG

2

4A

2

4B

1

2CN

3

2BTLA

3

2NTĐN

2

3CN

2

3BT

3

3VT

3









+ Chú ý:

- Chương trình bắt đầu lúc 18g, ngày 21/11 tại Hội trường 1. Đề nghị các tiết mục số 1, 2, 3 có mặt trước 17g45.

- Các tiết mục có mặt trước giờ diễn ít nhất 15ph và phải báo cho BTC (đ/c Vũ Vương).

- Lịch diễn có thể thay đổi từ giờ cho đến ngày tổ chức. Các lớp cần liên tục theo dõi để nắm được thay đổi.

- Mọi thắc mắc liên hệ BTC: Ngọc Thảo (kwonhanbaethao@yahoo.com)

- Chi tiết xem tại website: http://doanhoikhoaly.blogspot.com