Thông báo khẩn

Đoàn - Hội khoa Vật lý chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chúc các Thầy Cô và các bạn giáo sinh có một ngày lễ đầy ý nghĩa và niềm vui.

Chào mừng bạn đã đến với Bản tin trực tuyến của Đoàn - Hội khoa Vật lý, trường ĐH Sư phạm TPHCM.
Nếu bạn muốn làm writer, vui lòng liên lạc tolamvienkhoa@yahoo.com.vn

Cùng tưởng niệm nhớ đến bạn Lê Thanh Thuý, học sinh trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TPHCM, Công dân trẻ TPHCM, đã ra đi vào lúc 18h30 ngày 2/11/2007.

Các hoạt động trong khoa đang diễn ra:
- Hội diễn văn nghệ khoa Lý năm 2007
- Giải bóng đá mini nam nữ truyền thống khoa Lý

- Hội nghị Liên Chi hội HSV khoa Vật lý'
- Hội thi "Người giáo viên vật lý tương lai" diễn ra vào lúc 13g ngày 02/12/2007 tại Giảng đường A, 222 Lê Văn Sỹ Q3

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

Kinh đào cổ ở nam bộ: Thành tựu khoa học hai ngàn năm trước




Việc khai đào hàng trăm cây số đường nước bao gồm sông đào, kinh đào và bến nước ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long cách nay trên dưới hai ngàn năm là một thành tựu khoa học quy mô nhất nơi vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, đồng thời là bước khởi đầu ấn tượng cho nền văn minh sông nước vốn tồn tại ở đồng bằng Nam bộ cho đến ngày nay.
Lịch sử văn minh sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu rất sớm trong khoảng thế kỷ
Hình ảnh chợ nổi ngày nay chính là bến nước ngày xưathứ sáu hay thứ năm trước Công nguyên, khi một bộ phận cư dân tập trung trong các hào thành quanh một đền thờ lộ thiên dưới dạng “gò nổi” hay “thành mọi” chuyển sang sinh sống dọc theo bờ các dòng nước. Họ tạo lập nên các trung tâm cư trú mới ở nơi có nhiều tôm cá và lúa trời. Những hạt lúa chín rơi rụng và bị kết cứng trong bùn vào đầu mỗi mùa nắng sẽ nẩy mầm khi mùa mưa đến làm cho đất mềm, cây lúa lớn mạnh đến năm ba mét theo từng con lũ, và về cuối mỗi mùa lụt chúng đơm đầy bông hạt cứng chắc nặng trĩu sẵn sàng cho vụ thu hoạch.
Việc thu hoạch lúa trời hay lúa nổi diễn ra theo thời vụ, và như vậy, cư dân lúc bấy giờ không chỉ giỏi tránh lụt trên các giồng cao mà còn biết tích trữ lúa gạo tại nơi thu hái. Các nhà sàn Nam bộ đã được hình thành trong hoàn cảnh này, trở thành nơi cư ngụ đồng thời tích trữ lương thực, đánh dấu bước khởi đầu nền văn minh sông nước. Các cọc sàn nhà cổ của vài thế kỷ trước và sau Công nguyên tập trung với mật độ cao và với nhiều vỏ trấu trên bờ các con kinh đào băng qua cánh đồng lúa nổi bạt ngàn ở tứ giác Long Xuyên và ở vùng Đồng Tháp Mười.
Thực ra trước khi Louis Malleret tổ chức khai quật khảo cổ cánh đồng Óc Eo (1938 - 1944) thì các nhà nghiên cứu đã lưu ý đến các đường nước nhân tạo cổ đan dọc đan ngang trên đồng bằng châu thổ Cửu Long. Sau này nhờ việc nạo vét và khai đào các dòng kinh mới, một số đường nước nhân tạo cổ đã được tìm thấy trên thực địa và được khảo sát chi tiết, đồng thời xác định vị trí đường bờ vịnh cổ vốn là hải lộ thương thuyền trên con đường hương liệu băng qua đồng bằng Nam bộ lúc bấy giờ theo hướng từ tây sang đông, từ vịnh Rạch Giá đến cửa Cần Giờ ngày nay (H.X. Phương, 1986, 2006). Các phân tích khoáng học, bùn học và tảo học gần đây cho biết các đường nước cổ ở đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu được khai đào trong khoảng 365 - 275 trước Công nguyên và được khai thác sử dụng cho đến các năm 430 - 515 sau Công nguyên, thậm chí có nơi đến năm 760 sau Công nguyên (D.C.W. Sanderson, 2003; P. Bishop, 2004).
Cho tới nay, có trên 200 km đường nước nhân tạo cổ đã được xác định, bao gồm các sông đào, kinh đào, và các bến nước chính là loại hình chợ nổi đặc trưng Nam bộ như chúng ta đang thấy ở ngã bảy Phụng Hiệp, Cái Răng hay Cái Bè… Các đường nước này nối liền bờ vịnh vào thương cảng, và từ các thương cảng chính như Óc Eo đến khoảng 12 đô thị nằm sâu bên trong đất liền. Nhìn chung các sông đào cổ đều thẳng hay đã được nắn thẳng từ nhiều đoạn sông rạch thiên nhiên. Con sông đào dài nhất gần 90 km chạy theo hướng nam - bắc, từ thương cảng Óc Eo qua vùng Lò Mo gần núi Sam đến Angkor Borei. Con sông rộng nhất dài gần 28 km nối giữa kinh đô Ba Thê ở phía đông đến kinh thành cổ Sdachao giữa vùng Thất Sơn phía tây. Các con sông đào nối các đô thị thường cạn và rộng, những con kinh đào nối từ vịnh biển vào thương cảng thường hẹp hơn nhưng khá sâu, độ sâu đạt đến 6 hay 8 mét nơi các bến nước nằm nơi cửa ngõ quan trọng nhất của các thành phố cổ.
Đáng chú ý nhất trong các đường nước nhân tạo thời kỳ văn hóa Óc Eo là hệ thống kinh đào bố trí theo hình nan quạt bên ngoài các đô thị chính; chúng nối từ một sông đào lớn hay một bờ vịnh cổ vào một hào nước rộng và sâu bên cạnh thành phố. Tại Sdachao hệ thống này gồm 4 con kinh đào nối từ vịnh cổ Tám Ngàn đến phía tây nam chân đồi Xà Lôn. Trên không ảnh 4 con kinh này hiện lên rất rõ vì các dòng nước đã phá rộng bờ trước khi bồi lắng lòng kinh. Cũng trên không ảnh, đặc biệt là trên bản photo-pictomap, cả 4 dòng kinh đều dừng lại nơi một con sông cổ nối về Ba Thê, tại đây vị trí sông đào Ba Thê - Sdachao nằm trùng với dòng kinh Cây Me hiện tại.
Ở Ba Thê các dòng kinh cổ chỉ hiện lên lờ mờ trên ảnh hàng không và ảnh vệ tinh, do bởi dòng kinh bị vùi lấp bởi cùng một chất liệu phù sa, và do bởi sau đó có nhiều kiến trúc đã được xây dựng chồng phủ lên trên. Có cả thảy 11 dấu vết kinh cổ trên các bức ảnh, 9 nối từ vịnh cổ phía đông vào phía đông nam chân núi, 2 nối từ sông Hậu cổ ở Mớp Văn vào phía tây nam Ba Thê. Các đợt khảo sát địa chất giữa năm 1986 và 1988 đã tìm gặp được 4 trong số các dòng kinh đó: một chạy giữa Giồng Xoài và gò Óc Eo, một chạy gần di chỉ gò Cây Thị, một bắt đầu từ di chỉ Giồng Cát, và một chính là kinh Ba Thê cũ ngày nay. Cả 4 đoạn kinh đều nối vào Lung Lớn hay Lung Lạng, vốn là một con sông cổ rộng từ 40 đến 60 mét, dài hơn 11 km nối từ thương cảng Óc Eo đến tiền cảng Nền Chùa phía bắc thị xã Rạch Giá ngày nay.
Hệ thống đường nước nhân tạo ở đồng bằng sông Cửu Long nói lên trình độ cao trong tổ chức và quản lý cộng đồng lúc bấy giờ cùng những kỹ thuật dân sự mang tính chìa khóa cho việc hình thành, phát triển và bảo tồn nền văn minh sông nước cho tới ngày nay. Chúng ta có thể không tìm thấy một miền Nam cổ xưa, một văn hóa Óc Eo đúng nghĩa, thậm chí cả lý do hiện hữu của một thương cảng Óc Eo giữa lòng đồng bằng Nam bộ ngày nay nếu không biết đến các dòng sông đào, kinh đào tạo thành hệ thống đường nước độc đáo hai ngàn năm trước, và các bến nước nơi để lại rất nhiều cọc nhà sàn cổ chính là tiền thân của loại hình chợ nổi nổi tiếng ngày nay.
HOÀNG XUÂN PHƯƠNG
Theo: khoahocphothong.com

Không có nhận xét nào: